Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho việc phát triển thể chất và trí não của bé từ 0 – 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ từ 6 tháng tuổi là khoảng thời gian lý tưởng để mẹ bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Bên cạnh sữa mẹ, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bé sẽ giúp bé phát triển nhanh hơn. Mẹ hãy tham khảo những chất cần bổ sung cho trẻ ở giai đoạn này theo gợi ý sau đây nhé.
Trước khi bắt đầu cho bé ăn dặm và bổ sung dinh dưỡng ngoài sữa mẹ, một trong những câu hỏi nhiều mẹ quan tâm là cách nhận biết con mình đã sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa vì nhiều lo lắng khi biết rằng, từ 0 – 6 tháng, dạ dày bé chưa hoàn thiện nên sẽ không tiếp nhận được những “món lạ”. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết dễ dàng nhất:
+ Bé kiểm soát tốt phần đầu và cổ
+ Bé ngồi thẳng và vững
+ Sau khi đã bú mẹ 8-10 lần hoặc sau khi đã uống khoảng 1 lít sữa công thức trong một ngày nhưng bé vẫn đói
+ Cân nặng bé gấp đôi so với lúc sinh ra
+ Mọc răng
Khi mẹ nhận thấy con mình bắt đầu có một trong những dấu hiệu trên, mẹ hãy sẵn sàng vạch ra kế hoạch thực đơn ăn dặm để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng, bữa ăn bổ sung dinh dưỡng của trẻ phải đảm bảo đủ các chất thiết yếu: chất đạm whey giàu Alpha Lactabumin (đạm mềm) giúp dễ tiêu hóa và hấp thu, chất béo, vitamin và khoáng chất hay nhóm đường bột… Cụ thể:
+ Đạm
Chất đạm bao gồm các loại axit amin thiết yếu có trong: trứng, sữa, thịt, cá tôm…. Hoặc mẹ có thể bổ sung đạm Whey giàu Alpha Lactalbumin cho bé ở những sản phẩm sữa ngoài giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng, thuận lợi hơn và tốt toàn diện cho trẻ. Mẹ cũng cần lưu ý, đừng cho trẻ ăn thức ăn có hàm lượng đạm quá cao vì sẽ gây áp lực cho hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này.
+ Sắt
Sắt đóng vai trò quan trọng trong nhóm khoáng chất cần bổ sung vì sắt là yếu tố cần thiết tạo nên Hemoglobin – chất tạo ra màu đỏ của hồng cầu và có nhiệm vụ vận chuyển oxy khi hô hấp. Nếu không được cung cấp đủ sắt trong khẩu phần ăn, lâu dần sẽ làm cho bé thiếu máu (hay còn gọi là thiếu sắt). Vì vậy, trong khoảng thời gian này, mẹ hãy bổ sung vào thực đơn của bé một hàm lượng sắt vừa đủ theo gợi ý của các chuyên gia là 0,27mg/ ngày (hàm lượng phù hợp cho trẻ sơ sinh 0-6 tháng).
+Calcium
Bên cạnh vai trò chính là cấu trúc và duy trì xương và răng, calcium cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống các enzyme trong cơ thể bé. Sự co cơ, phóng thích chất dẫn truyền thần kinh, duy trì nhịp tim bình thường, quá trình đông máu… đều chịu ảnh hưởng của calcium. Việc thiếu hụt calci (canxi) là nguyên nhân gây còi xương, chậm phát triển và dị dạng xương ở trẻ nên hãy bổ sung hàm lượng calcium mỗi ngày cho trẻ. Theo PGS.Craig Munns (Bệnh viện Nhi Westmead – Đại học Sydney, Úc) khuyến cáo hàm lượng calcium cho trẻ sơ sinh 0-6 tháng là 300-400mg mỗi ngày.
+ Vitamin D
Trong việc hình thành xương và răng, không thể thiếu một dưỡng chất quan trọng đó là vitamin D. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao nếu không nạp đủ vitamin D. Sữa mẹ cung cấp vitamin D tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D trung bình của sữa mẹ thấp và có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu của bé. Vì vậy, bạn nên cho bé bổ sung vitamin D hàng ngày từ các nguồn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ như cá, trứng, nấm, đậu hay chế phẩm từ sữa.
Mẹ nhớ tắm nắng cho bé để bổ sung vitamin D tự nhiên nhé!
+ DHA (chất béo Omega-3)
Các mẹ đều biết DHA là dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành trí não bé cũng như thị giác. Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi được xác định là giai đoạn mà cơ thể bé cần nhiều DHA nhất. DHA có nhiều trong các loại cá biển (cá hồi, cá ngừ, cá trích…), lòng đỏ trứng, chế phẩm từ sữa… Tuy nhiên, để có được 100mg DHA tương đương với 4 quả trứng hoặc 30 – 40g cá mỗi bữa ăn nhưng hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên không thể hấp thụ lượng thức ăn lớn như vậy trong một ngày. Do đó, các mẹ nên bổ sung DHA từ thực phẩm hỗ trợ, ưu tiên các sản phẩm từ sữa và sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như dầu cá hồi, dầu ô liu để đảm bảo đủ cả chất và lượng cho nhu cầu của trẻ ở giai đoạn này.
+ Choline
Bên cạnh DHA thì Choline cũng là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cơ thể con người tổng hợp các tế bào thần kinh một cách nhanh và chính xác nhất. Ngoài ra, Choline còn giúp các chất dinh dưỡng được chuyển hóa qua gan dễ dàng hơn. Choline cấu tạo nên hệ thống thần kinh cho trẻ nhỏ ngay từ khi còn trong bào thai nên mẹ có thể bổ sung 125mg Choline mỗi ngày cho bé.
Trên đây là những chất cần thiết để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng ngoài sữa mẹ cho bé giai đoạn từ 0 – 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ nhớ là trong giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là thức ăn chính trong chế độ dinh dưỡng của bé nhé. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […].Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc các mẹ chăm con thật khỏe mạnh.
BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh
Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk