Thông Tin Dinh Dưỡng

DẠY BÉ CÓ TRÁCH NHIỆM “TỪ THUỞ CÒN THƠ”

Ngày đăng:

07/11/2016

Để bé hình thành nhân cách tốt trong tương lai, bố mẹ cần quan tâm xây dựng và rèn luyện cho bé những đức tính tốt ngay từ những năm đầu đời. Trong đó, việc dạy bé có tính trách nhiệm là một trong những điều tiên quyết giúp bé có sự tin tưởng trong cuộc sống cũng như làm việc sau này. Dưới đây là những lời khuyên giúp bé có tính trách nhiệm mà mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho bé 2 – 3 tuổi.

Mẹ cần làm gì để bé có trách nhiệm?

+ Giao cho bé những công việc phù hợp với khả năng như tự dọn đồ chơi hay đọc sách xong phải cất lên kệ. Lưu ý:

  • Nếu được bố mẹ giao những việc phù hợp với khả năng, bé sẽ thấy gắn bó với gia đình hơn, cảm thấy mình là người đáng tin cậy và giúp ích được cho bố mẹ. Vì vậy, mẹ hãy giao cho bé những công việc phù hợp với độ tuổi và mức phát triển của bé.
  • Không nên nhờ bé làm những việc nằm quá khả năng của bé mẹ nhen.
  • Thường xuyên nhắc nhở bé thực hiện những công việc được giao vì các bé sẽ không thể gánh trách nhiệm hoàn toàn nếu không được nhắc nhở hay giám sát.
  • Chia nhỏ những công việc lớn thành những việc nhỏ và hướng dẫn bé từng cách làm cụ thể. Như vậy sẽ giúp bé hoàn thành nhiệm vụ được giao và cảm thấy mình được bố mẹ tin cậy. Từ đó, bé sẽ có trách nhiệm với những việc mà bố mẹ đã giao.

+ Tôn trọng và tin tưởng bé

Hãy tham khảo ý kiến của bé trong vài vấn đề của gia đình như trang trí phòng cho bé. Nếu bé chưa đưa ra được ý kiến, mẹ có thể gợi ý bé để bé trả lời. Như vậy, bé sẽ vui thích được đóng góp sức mình vào công việc gia đình và tạo cho bé tinh thần trách nhiệm.

+ Không nên trừng phạt khi bé chưa hoàn thành việc được giao

Việc trừng phạt hay la mắng bé khi chưa làm xong việc sẽ khiến bé nghĩ mình không có đủ khả năng làm việc đó, bé làm việc gì cũng khiến bố mẹ không hài lòng ưng ý. Đồng thời, la mắng sẽ khiến bé luôn lo lắng, căng thẳng khi được bố mẹ nhờ cậy. Từ đó, dễ dẫn đến việc bé chỉ làm qua loa những lần sau vì nghĩ đằng nào mình cũng bị phạt vì làm không tốt.

+ Thường xuyên khen ngợi khi bé hoàn thành một việc nào đó được giao

Những lời khuyến khích và khen ngợi sẽ giúp bé cảm thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng và đấy cũng chính là động lực để bé hoàn toàn tốt những việc sau này. Nếu những lời khen này bị bỏ qua, bé sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, nhiều bé có suy nghĩ không muốn có trách nhiệm với việc mình làm.


Những lời khen ngợi của mẹ sẽ là động lực để bé có trách nhiệm với công việc được giao sắp tới

Những lời khen ngợi của mẹ sẽ là động lực để bé có trách nhiệm với công việc được giao sắp tới

+ Dạy bé biết quan tâm đến người khác và đối xử công bằng với họ

Bố mẹ hãy là tấm gương biết quan tâm đến người khác và đối xử công bằng với mọi người để dạy bé ngay từ nhỏ. Từ đó, bé sẽ học tập theo bố mẹ, sống có trách nhiệm và biết quan tâm đến người khác.

+ Luôn nói sự thật

Hãy dạy bé dù trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn nói sự thật. Trung thực chính là biểu hiện của người sống có trách nhiệm, không thể vì muốn làm vừa lòng bố mẹ mà bé có thể nói dối.

+ Để bé chịu trách nhiệm về quyết định của mình

Hãy cho phép bé làm quen với việc lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đây cũng là cách giúp bé tự lập. Ví dụ mẹ có thể cho bé tự chọn và chuẩn bị quần áo đi chơi. Nếu bé không mang theo nón hay áo khoác, mẹ hãy bí mật mang theo. Sau đó nếu bé kêu với mẹ là nắng hay lạnh, mẹ có thể đưa cho bé và nhắc bé ghi nhớ cho những lần sau.

+ Làm gương cho bé

Hãy là tấm gương trách nhiệm và giữ lời với những gì đã hứa với bé và mọi người xung quanh. Việc giữ lời này là bài học giá trị, thẩm thấu ngày ngày đến bé. Dần dần bé sẽ tự hình thành trách nhiệm với lời nói và hành động giống như cách bố mẹ vẫn làm.

+ Dạy bé qua tranh ảnh, sách truyện

Hãy chọn những chi tiết trong cuốn sách, truyện bé yêu thích để giải thích cho bé về tính tránh nhiệm. Những nhân vật, hoàn cảnh trong câu chuyện sẽ giúp bé hiểu sâu hơn về việc tại sao cần có trách nhiệm và những hậu quả nếu không có trách nhiệm.

Trên đây là những cách dạy bé có trách nhiệm. Những bài học hữu ích nhất trong giai đoạn này chính là tấm gương sáng từ cách sống và sinh hoạt thường ngày của những người thân thiết với bé. Vì vậy, ba mẹ hãy là tấm gương cho bé, đồng thời nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện tương tự nhé. Chúc mẹ thành công!

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk