Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT VỀ DỊ ỨNG THỰC PHẨM Ở TRẺ

Ngày đăng:

06/10/2016

Bố mẹ cần chú ý hết sức đến các thực phẩm bé ăn vì đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn. Dù không được xếp vào những bệnh lý nguy hiểm nhưng dị ứng thức ăn có thể gây tử vong. Do đó, bố mẹ cần tìm hiểu các triệu chứng và cách điều trị khẩn cấp khi bé bị dị ứng. Tham khảo bài viết dưới đây để có thể chăm sóc bé toàn diện, tránh nguy cơ dị ứng thực phẩm cho bé yêu mẹ nhé!

Dấu hiệu của dị ứng thực phẩm

Các triệu chứng khi bé dị ứng thực phẩm có thể đến sau vài phút hoặc vài giờ và sẽ biểu hiện khác nhau ở mỗi bé. Tình trạng dị ứng thức ăn có thể xảy ra ở da lẫn hệ tiêu hóa với các dấu hiệu như:

  • Những tổn thương ở da như nổi mề đay hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng nặng của bệnh chàm.
  • Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.
  • Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội có thể dẫn đến tử vong.
  • Những biểu hiện mơ hồ ở bé như thái độ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc khi ăn…

Dị ứng sẽ làm bé chán ăn, sụt cân

Dị ứng sẽ làm bé chán ăn, sụt cân

Một số thực phẩm dễ gây dị ứng cho bé

  • Hải sản: Tác nhân gây dị ứng cao nhất, đặc biệt là các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao
  • Thực phẩm chua: Gây dị ứng do hàm lượng axit cao. Đây là dạng dị ứng nhỏ có thể khiến bé bị mẩn đỏ quanh miệng.
  • Trứng: Bé có thể bị mẫn cảm với một loại protein có trong lòng trắng trứng gà.
  • Một số loại rau xanh: Các loại rau xanh có hàm lượng nitrat cao có thể phản ứng không tốt với cơ địa của bé. Do vậy, trẻ nhỏ nên thận trọng khi ăn củ cải, cà rốt, củ cải xanh…
  • Ngũ cốc: Lạc, đậu nành, lúa mì là những nguyên nhân gây hậu quả xấu, đặc biệt với các bé bị hen suyễn.
  • Sữa bò: Dị ứng sữa bò là tình trạng rất hay gặp, xảy ra khi cơ thể bé mẫn cảm với thành phần đạm trong sữa bò. Các triệu chứng khi dị ứng sữa bò có thể kể đến là nôn mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, tiêu chảy…

Những bé nào dễ bị dị ứng?

  • Các bé có cả bố và mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng
  • Các bé có một trong hai bố mẹ bị dị ứng
  • Các bé dưới 1 tuổi

Cách điều trị cho trẻ dị ứng thực phẩm

Ngay khi nghi ngờ bé bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa. Khi đã xác định được thực phẩm ngay dị ứng, cần tiến hành điều trị ngay bằng cách:

  • Loại bỏ những thực phẩm gây dị ứng khỏi khẩu phần ăn hằng ngày của bé.
  • Sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng theo yêu cầu của bác sĩ.

Cách phòng tránh dị ứng cho bé

  • Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên.
  • Khi tập cho bé ăn dặm, tuân theo nguyên tắc từ loãng tới đặc, từ ít đến nhiều & từ món đơn giản đến phức tạp, có thể cho bé ăn các dạng bột dinh dưỡng vị ngọt trước rồi đến vị mặn, sau đó mới cho ăn các món cháo.
  • Không nên cho bé dùng thức ăn chế biến sẵn hoặc công nghiệp như thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, các chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo.
  • Khi cho bé ăn một loại thực phẩm mới, nên tập cho bé làm quen bằng cách ăn từ từ, từng chút và theo dõi trong 4 – 5 ngày. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ phải dừng lại ngay.
  • Loại bỏ thực phẩm khiến bé dị ứng ra khỏi thực đơn. Không chế biến hoặc đựng thức ăn của bé trong dụng dính các thức ăn trẻ dị ứng.
  • Trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ, sau một thời gian, mẹ có thể cho bé ăn lại thức ăn đó.

Trên đây là tất cả các thông tin cần thiết để mẹ phòng ngừa dị ứng thực phẩm cho bé. Dù đã đến giai đoạn bé ăn vặt nhưng mẹ cần cho bé uống sữa mẹ đến 24 tháng tuổi. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé yêu của mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện nhé.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk