Thông Tin Dinh Dưỡng

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG VÀ NGÔN NGỮ CHO TRẺ 1-2 TUỔI

Ngày đăng:

21/11/2016

Theo nhiều nghiên cứu, các bé có khả năng phát triển cao là những bé được lớn lên trong môi trường có nhiều va chạm, được tự do vận động cơ thể và luôn tiếp xúc với ngôn ngữ trong giai đoạn từ 1-3 tuổi. Ở giai đoạn này, bé có sự tò mò, ham tìm hiểu với thế giới xung quanh, luôn muốn cơ thể hoạt động và tập nói những từ đầu đời. Vì vậy, bé cần sự giúp đỡ của bố mẹ để có thể phát triển toàn diện, về kỹ năng vận động (đi và cầm nắm) và kỹ năng nói.

Phát triển kỹ năng đi

Việc đầu tiên, cha mẹ của bé hơn 1 tuổi, là chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho bé được vận động tối đa. Bé có thể trèo ra khỏi nôi, hoặc chập chững bò đi trong phòng để thỏa sự háo hức của mình. Ở trường hợp này, bố mẹ không nên ngăn cấm hay la mắng, vì sẽ dập tắt lòng ham tìm hiểu của bé.

Để tạo điều kiện cho bé được tự do vận động, bố mẹ cần tôn trọng hành động của bé, và trông nom bé khỏi bị nguy hiểm. hãy cho bé ra chỗ rộng để đi bộ thật thoải mái và dần ghi nhớ kỹ năng đi bộ. Có thể cho bé đi dạo ở công viên, sân chơi, cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài để phát triển thể chất và mở mang tầm nhìn của bé. Cũng nên cho bé được nhìn thấy những bạn ở cùng độ tuổi. Dù không cần phải chơi với những bạn đó, nhưng đó là cách nuôi dưỡng tính xã hội ở bé. Nên cho bé đi bộ ở ngoài hết khả năng có thể thì hơn.

Phát triển kỹ năng cầm, nắm

Hãy cho bé tập cầm đồ vật vừa tay, giơ lên, hạ xuống, cầm ra chỗ được bảo…

Nếu lúc nghịch ngợm, bé có cầm kéo khăn trải bàn, làm cốc chén trên bàn rơi loảng xoảng, đổ vỡ, đó là lúc bé hiểu ra, với vật ở xa, có thể kéo lại gần để lấy; hiểu ra đồ vật rơi từ trên cao xuống có thể bị vỡ hoặc không… Không được mắng bé gay gắt vì làm vỡ đồ vật. Mẹ nên tìm chỗ cất những món đồ quý giá và để xa tầm tay bé những đồ nguy hiểm, vì ở lứa tuổi này, bé rất hiếu động và ham cầm nắm mọi vật xung quanh.

Mẹ có thể hướng dẫn bé chơi trò ném đồ vật như các thanh gỗ, que xếp hình rồi tự nhặt lại. Mẹ hãy quan sát hướng ném, tay cầm để ném, tư thế ném, độ mạnh yếu của mỗi lần ném của bé như thế nào? Có khác nhau nhiều không? Từ đó hiểu được tính cách và thể lực của bé, và bé được thỏa mãn thói quen tìm hiểu, phát triển trí tuệ, thể chất và yêu thích tiếp xúc với sự vật bên ngoài.

Ở thời gian này, bố mẹ không nên ngăn cấm bé, vì như thế sẽ làm bé thiếu tự tin và phát sinh tính tiêu cực. Bị cấm đoán, bé sẽ nảy sinh tính phản kháng, dễ nóng nảy cáu gắt. Khi muốn cấm bé làm việc gì đó, mẹ có thể tìm cách rủ bé chơi một trò chơi khác. Như vậy sẽ không có tính cưỡng ép, và thu hút sự chú ý của bé với điều mới lạ.

Phát triển kỹ năng nói

Vào thời kỳ này, khả năng hiểu ngôn ngữ của bé phát triển cực kỳ tập trung. Các cơ quan vùng hàm, họng để phát âm phát triển vượt trội, giúp bé đã có thể phân biệt và sử dụng âm tiết một cách chính xác. Bé cũng có thể nói được những câu kết nối của 2, 3 từ liền nhau. Mẹ nên cho bé cai ti giả trong thời gian này để âm tiết được phát triển tự nhiên trong cơ quan vùng vòm họng.

Khoảng 1 tuổi rưỡi, bé sẽ nói khoảng 40-50 từ đơn, và vào 2 tuổi, bé sẽ nói khoảng 300 từ. Và sự phát triển ngôn ngữ của bé trong thời gian này phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp từ mẹ.

Mẹ hãy nói chuyện với bé mỗi khi ở bên bé như khi thay quần áo, ăn cơm, đi dạo. Có thể chỉ cho bé các từ về cơ thể người như mắt, tai, mũi, tay, chân, đầu gối… hoặc tên các vật dụng trong nhà.

Đọc sách sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ và giao tiếp trong tương lai

Đọc sách sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ và giao tiếp trong tương lai

Đọc sách cho bé mẹ nhe, đó có thể là những quyển sách bé đã nghe khi còn sơ sinh khoảng 5, 6 tháng hoặc những quyển sách mới. Mẹ có thể xây dựng một nơi đựng sách để bé có thể lựa quyển sách bé muốn nghe. Việc đọc thật nhiều sách cho bé sẽ giúp bé phát triển niềm yêu thích sách, và giúp trí tuệ của bé phát triển. Do khả năng ngôn ngữ của bé tùy thuộc vào môi trường, do đó bố mẹ càng cho bé tiếp xúc nhiều từ ngữ, lượng từ bé phát âm mới phong phú. Càng dạy nhiều từ ngữ cho bé, trí não của bé phát triển, thành một em bé thông minh.

Bé giai đoạn hơn 1 – 2 tuổi bắt đầu phát triển những kỹ năng học hỏi, ham tìm hiểu từ môi trường xung quanh, từ đó làm tiền đề phát triển kỹ năng vận động và ngôn ngữ. Nhiệm vụ của bố mẹ là giúp bé thỏa mãn lòng ham tìm hiểu, để có thể giáo dục bé theo một cách tốt nhất. Chúc bé luôn phát triển mạnh khỏe và lớn khôn.

PGS TS BSCC. Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk