Ăn khoẻ - Ăn ngon

BÉ BỊ VÀNG DA CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Ngày đăng:

26/02/2024

Bệnh vàng da trẻ sơ sinh

Em bé sơ sinh bị vàng da

Trẻ sơ sinh bị vàng da là bệnh lý thường gặp, xảy ra trong tháng đầu đời của trẻ. Đối với những trẻ sinh non, tỷ lệ trẻ bị vàng da chiếm 80%, đối với trẻ sơ sinh đủ tháng tỷ lệ này chiếm 60%. Ngoài ra, có 75% trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da sinh lý. Những trường hợp này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ nên không cần can thiệp điều trị. Để có những thông tin chi tiết về hiện tượng bé sơ sinh bị vàng da, hãy cùng Vinamilk tìm hiểu trong bài viết sau đây!

1. Trẻ sơ sinh bị vàng da là gì?

Trẻ sơ sinh bị vàng da được biểu hiện bằng sự đổi màu vàng của da và mắt. Vàng da sơ sinh là do chất bilirubin (được tạo ra trong cơ thể) tăng cao trong máu. Đây là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh.

Vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Hầu hết các trường hợp vàng da sinh lý sẽ nhẹ hơn vàng da bệnh lý. Đối với trẻ bị vàng da, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng và gây ra bệnh lý não. Có thể dẫn đến tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.

1.1 Vàng da sinh lý

 Vàng da sinh lý thường gặp ở 60% trẻ đủ tháng và 80-100% ở trẻ non tháng tùy tuổi thai. Đây là tình trạng vàng da nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và tự khỏi mà không cần điều trị.

1.2. Vàng da bệnh lý 

Vàng da bệnh lý là tình trạng vàng da kèm theo những bất thường sau:

  • Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh.
  • Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu.

Vàng da bệnh lý có những biểu hiện đi kèm

Trẻ sơ sinh bị vàng da

2. Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị vàng da

2.1. Biểu hiện vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh thông thường

Ở trẻ đủ tháng, sức khỏe bình thường thì vàng da được coi là vàng da sinh lý với những điều kiện sau:

  • Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.
  • Tự hết trong vòng 7 - 10 ngày.
  • Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
  • Chỉ là vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì…
  • Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng.
  • Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.

2.2. Dấu hiệu cảnh báo vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh

Hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngày khi có những biểu hiện bất thường sau:

  • Vàng da đậm xuất hiện sớm, trong vòng 1 - 2 ngày sau sinh.
  • Vàng da không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân.
  • Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng.
  • Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
  • Vàng da ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai.

3. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng da

Những nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị vàng da bao gồm:

3.1. Tăng sản xuất bilirubin

Bilirubin dư thừa (tăng bilirubin trong máu) là nguyên nhân chính gây ra vàng da. Các nguyên nhân gây tăng sản xuất bilirubin trong máu trẻ bao gồm:

  • Bất đồng nhóm máu mẹ con: Nhóm máu mẹ và con bất tương hợp nên hệ thống miễn dịch của mẹ có thể phá hủy hồng cầu của con. Thường gặp là mẹ có nhóm máu O sinh con có nhóm máu A hoặc B. Hoặc mẹ có nhóm máu Rh âm, sinh con có nhóm máu Rh dương.
  • Bệnh lý tại hồng cầu làm cho hồng cầu dễ vỡ: thiếu men G6PD, bệnh lý màng hồng cầu, Thalassemia.
  • Vết bầm máu to ở trẻ khi sinh.

3.2. Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin

Tình trạng giảm chức năng chuyển hóa bilirubin là do một số bệnh lý như: hội chứng Crigler-Najjar, hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền, trẻ sinh non, thiếu hụt hooc-môn, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ.

3.3. Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột

Trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột phân su, sử dụng thuốc gây liệt ruột… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, dẫn tới vàng da.

3.4. Vàng da sữa mẹ 

Một thành phần trong sữa mẹ là pregnane-3-alpha 20 beta-diol có khả năng ngăn chặn việc phân hủy Bilirubin. Chính vì không bị phân hủy, chuyển hóa và đào thải tốt nên bilirubin tăng cao hàm lượng trong máu, khiến bé bị vàng da, vàng mắt. Tình trạng này thường có xu hướng di truyền và ảnh hưởng từ 0,5% – 2,4% các bé sơ sinh. Tuy nhiên, hiếm khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, vàng da sơ sinh còn một dạng khá phổ biến nữa là Vàng da do thiếu sữa mẹ hay do bắt đầu bú mẹ quá muộn. Bú mẹ ngay  sau sinh sẽ giúp làm tăng nhu động ruột, làm tăng đào thải bilirubin, phòng chống vàng da.

4. Cách phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh 

Cách phòng vàng da sơ sinh tốt nhất là cho trẻ bú sữa đầy đủ và khoa học:

  • Nếu trẻ bú mẹ: Cho trẻ bú từ 8 – 12 cữ mỗi ngày để đảm bảo trẻ không bị mất nước, giúp cơ thể đào thải bilirubin nhanh hơn.
  • Với trường hợp trẻ không được bú mẹ (do bệnh lý của mẹ): Cho trẻ bú khoảng 30 – 60 ml sữa công thức mỗi 2 – 3 giờ trong tuần đầu tiên.

Mẹ nên xét nghiệm nhóm máu trước khi mang thai. Sau khi sinh, bé cũng sẽ được xét nghiệm nhóm máu. Việc làm này sẽ giúp loại trừ (hoặc xác định) nguy cơ bé bị vàng da sơ sinh do không tương thích với nhóm máu của mẹ, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời. Ngoài ra, mẹ phải tuân thủ theo đúng lịch khám thai của bác sĩ, chú trọng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý vào các tháng cuối thai kỳ để tránh sinh non.

Nên cho trẻ bú mẹ từ 8 – 12 cữ

Phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh 

5. Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? 

Nếu trẻ sơ sinh bị vàng da nhưng không đi kèm các triệu chứng bất thường sẽ không nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ cần theo dõi trẻ nếu có bất kỳ triệu chứng nào kèm theo vàng da. hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ, vì có thể bé đã mắc vàng da bệnh lý. Đối với trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

5.1. Bilirubin não cấp tính

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp tình trạng Bilirubin não cấp tính khi trẻ bị vàng da kết hợp: 

  • Ngủ li bì.
  • Không tập trung.
  • Khóc thét.
  • Bỏ bú.
  • Sốt cao.
  • Xoắn vặn.
  • Co giật.

5.2. Vàng da nhân (Bệnh não do Bilirubin)

Trẻ sơ sinh sẽ bị vàng da nhân khi chất Bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan bé còn yếu không thể đào thải kịp và dẫn đến thấm vào não.

Hậu quả là làm tổn thương não đến mức không hồi phục được. Do đó, nếu đã được chẩn đoán xác định vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh thì phải điều trị càng sớm càng tốt. Cụ thể là trước 7 ngày sau sinh nhằm phòng ngừa nguy cơ tổn thương não.

6. Những câu hỏi thường gặp khi trẻ sơ sinh bị vàng da

6.1. Chiếu đèn điều trị vàng da có hại không?

Chiếu đèn vẫn là biện pháp khá an toàn và chấp nhận được so với nguy cơ tổn thương não và để lại di chứng não suốt đời nếu không điều trị vàng da.

Bởi vì không còn biện pháp nào hiệu quả mà an toàn hơn. 

Tuy nhiên, chiếu đèn có thể có một số tác dụng phụ thoáng qua như: mất nước, tiêu lỏng, tăng hoặc hạ thân nhiệt, sạm da (da đồng), tổn thương võng mạc nếu không che mắt, tăng nhẹ nguy cơ một số ung thư và co giật ở trẻ em. Để hạn chế những tác dụng phụ này, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hoặc truyền dịch khi bé ăn không đủ để tránh mất nước, che mắt cẩn thận khi chiếu đèn, lựa chọn đèn có ánh sáng và cường độ phù hợp như nguồn đèn LED ánh sáng xanh vốn ít tạo ra oxy hóa quang học.

Chiếu đèn điều trị vàng da là phương pháp an toàn

Chiếu đèn giúp điều trị vàng da

6.2. Tắm nắng có giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh không?

Tắm nắng không có nhiều giá trị giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh. Khi thấy trẻ có các triệu chứng của bệnh lý vàng da, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý hay bệnh lý đều có thể chữa trị được. Vì vậy, mẹ không nên quá lo lắng, mà hãy theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé. Nếu bé có những biểu hiện của hiện tượng vàng da, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám và chữa trị. Đồng thời, mẹ nên phòng tránh bệnh lý này bằng cách cho trẻ uống sữa đều đặn và khoa học để các bé được phát triển khoẻ mạnh!