Thông Tin Dinh Dưỡng

TẤT CẢ NHỮNG GÌ MẸ CẦN BIẾT VỀ RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ TRONG 6 THÁNG ĐẦU ĐỜI

Ngày đăng:

06/10/2016

Trong 6 tháng đầu đời, hệ tiêu hóa còn yếu nên các bé rất dễ mắc các bệnh về đường ruột, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa. Đây là tình trạng bất thường của dạ dày, xảy ra do chế độ ăn hay dùng thuốc không đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin giúp mẹ biết cách chăm sóc bé yêu đúng cách để phòng ngừa và điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa.


Mẹ cần tìm hiểu để nhận biết các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở bé

Mẹ cần tìm hiểu để nhận biết các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở bé

Dấu hiệu bé bị rối loạn tiêu hóa

  • Nôn trớ: Đây là tình trạng những chất chứa trong dạ dày trào ngược vào thực quản. Nguyên nhân là do cơ thắt tâm vị (giữa thực quản và dạ dày) không đủ mạnh để cản lại thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản và miệng trẻ. Tuy nhiên, nếu bé bị nôn ít, vài ngày mới bị một lần, vẫn bú bình thường và lên cân tốt thì không sao, mẹ đừng lo nhé.
  • Đau bụng: Bé thường quấy khóc, mặt đỏ hoặc tái. Nguyên nhân có thể là do bú nhiều hơi, quá no hoặc bị một vài bệnh lý như lồng ruột, thoát vị bẹn. Mẹ cần theo dõi các triệu chứng khác để xác định chính xác nguyên nhân đau bụng của bé.
  • Tiêu chảy: Hiện tượng bé đi phân lỏng như nước trên 3 lần/ ngày. Hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn tới mất nước, mất điện giải trầm trọng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Khi bị tiêu chảy, bé có thể đi ngoài liên tục, phân có dịch nhầy và bị nôn sốt.
  • Táo bón: hiện tượng bé gặp khó khăn khi đi tiêu, số lần đi tiêu ít, phân cứng, đóng thành khuôn hoặc cục nhỏ. Bé có thể bị táo bón khi bắt đầu uống sữa công thức, có chế độ ăn dặm không hợp lý hoặc bị còi xương.

Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

  • Mẹ nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để bé được tăng cường hệ thống miễn dịch nhờ các dưỡng chất có trong sữa mẹ.
  • Không nên bổ sung thực phẩm bên ngoài cho bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi mẹ nhen.
  • Thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng, lành mạnh và an toàn đáp ứng các nhu cầu của bé theo độ tuổi, cân nặng. Chế độ dinh dưỡng của bé phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.
  • Cân đối thời gian nghỉ giữa bữa ăn cho bé mẹ nhé.
  • Mẹ cần theo dõi đặc điểm phân của bé để hỗ trợ bác sĩ nhi khoa xác định mức độ rối loạn tiêu hóa của bé.Theo dõi đặc điểm phân của trẻ, vì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể phát hiện ra nhờ đặc điểm của phân.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ sẽ giúp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho bé. Mẹ nên rửa tay, vệ sinh cá nhân cho bé thường xuyên trong ngày, ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm và đồ dùng cho bé, đặc biệt là bình sữa của bé.
  • Mẹ có thể cân nhắc cho bé sử dụng một số sản phẩm từ sữa lên men có chứa nhiều loại vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa.
  • Nhớ pha sữa đúng liều lượng bằng nước đun sôi để nguội, độ ấm vừa phải (6 phần lạnh, 4 phần nóng) mẹ nhen. Tốt nhất, mẹ nên cho bé bú hết ngay, không uống lại sữa đã để lâu hơn một tiếng và trong thời gian đó cần phải bảo quản thật kỹ lưỡng.
  • Tránh không để bé tiếp xúc với những ai đang bị viêm nhiễm như ho, tiêu chảy.

Các biện pháp điều trị rối loạn tiêu hóa cho bé

+ Điều trị hiện tượng trào ngược dạ dày

  • Mẹ cần giữ bé bú ở tư thế đầu cao hơn thân và vỗ lưng cho bé ợ sau khi ăn là có thể phòng tránh.
  • Không nên cho bé ăn hoặc bú quá no và trẻ luôn cần được ợ hơi dễ dàng.
  • mẹ nên chia nhỏ các cữ bú, kết hợp vỗ nhẹ vào lưng cho trẻ sau ăn, giúp trẻ ợ hơi.
  • Mẹ cố gắng giữ trẻ ngồi yên (nằm yên) ít nhất 15 phút sau khi ăn nhé!

+ Điều trị táo bón

  • Nếu đang trong thời kỳ cho bé bú, mẹ cần uống thêm nước, ăn trái cây và rau nhiều hơn mẹ nhen
  • Xem lại thành phần dinh dưỡng trong loại sữa mẹ đang cho bé uống. Sữa nên có thành phần giàu chất xơ GOS, giúp phân mềm và tăng cường đào thải cặn bã thức ăn mẹ nhé.
  • Tập cho bé đi cầu mỗi ngày vào một giờ nhất định để giúp bé có phản xạ thói quen và tránh hiện tượng “nín nhịn” đi cầu.
  • Massage khi bé thoải mái, không đói không no: Mẹ làm ấm bàn tay rồi xoa lên, xoa xuống hai bên sườn bé. Sau đó, xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trên bụng trẻ và ngược lại. Nắm nhẹ chân giúp bé co đầu gối, ép nhẹ đầu gối lên bụng bé rồi lại duỗi chân ra

+ Điều trị đầy hơi, khó tiêu, hấp thu kém?

  • Mẹ nên thay đổi các loại thức ăn mềm, sẽ giúp con dễ tiêu hoá và hấp thu tốt.
  • Chọn dinh dưỡng dễ tiêu hóa cho trẻ, mẹ nhen. Mẹ nên chọn sữa chứa đạm Whey thủy phân một phần, với hỗn hợp đa đường bột, giảm lactose, kết hợp với hỗn hợp chất béo không dầu cọ và tăng cường chất xơ GOS sẽ giúp trẻ nhỏ không gặp các vấn đề rắc rối ở hệ tiêu hóa như: táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, nôn trớ… từ đó, hấp thu đầy đủ các dưỡng chất và phát triển toàn diện.

+ Điều trị tiêu chảy

  • Hạn chế sữa và các chế phẩm từ sữa trong vòng 1 – 2 ngày cho bé mẹ nhé. Thay vào đó, mẹ nên cho bé uống bổ sung nước đường, nước nấu cà rốt thành nhiều đợt trong ngày.
  • Bù muối khoáng cho bé bằng những gói muối bán ở các hiệu thuốc tây với tỷ lệ nước nhất định theo chỉ dẫn.
  • Khi bé ǎn bình thường trở lại (chỉ nên hạn chế sữa tối đa 2 ngày mẹ nhen), mẹ nên tǎng lượng sữa từ từ hoặc dùng các loại sữa đặc biệt dành cho bé bị tiêu chảy để giúp ruột bé ổn định hơn.
  • Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà tình trạng tiêu chảy của bé vẫn không đỡ, bé bị sút cân, có triệu chứng cơ thể thiếu nước, mẹ cần cho bé đến bác sĩ khám ngay để nhập viện điều trị khi cần thiết.

Trên đây là thông tin về dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Mẹ có thể hoàn toàn phòng ngừa chủ động cho bé bằng cách tiêm chủng. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý mẹ nhé. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh nhé!

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk