Thông Tin Dinh Dưỡng

TUẦN 14 CỦA MẸ VÀ THAI NHI

Ngày đăng:

04/07/2016

Sẽ là một tuần nhẹ nhàng và tuyệt vời nữa của thai kỳ. Mẹ sẽ có thêm thời gian và tâm trí cho những kế hoạch chào đón thành viên mới. Bé gần như đã phát triển đầy đủ những bộ phận trên cơ thể và còn biết nghịch nữa cơ. Hãy xem tuần 14 của mẹ và cục cưng sẽ trải qua như thế nào nhé!

Những thay đổi của bé trong tuần này

  • Tuần này, tính từ đầu đến mông, bé đã dài khoảng 10cm, bằng kích thước của trái chanh tây và nặng khoảng 70g.
  • Trên khuôn mặt của bé bắt đầu xuất hiện các lớp lông mềm, lớp lông mềm này sẽ xuất hiện trên khắp cơ thể bé.
  • Đầu của bé đã bắt đầu tròn, hàm đã rõ ràng hơn, cổ bắt đầu dài ra và tai cũng đã phát triển hoàn chỉnh.
  • Bé đã bắt đầu những chuyển động mắt qua hai bên. Mí mắt của bé tuy còn khép kín để bào vệ mắt nhưng các cơ kiểm soát mắt thì đã bắt đầu làm việc. Mỗi khi có ánh sáng mạnh chiếu xuyên qua thành bụng, chúng tác động lên mắt và ánh ửng đỏ. Vì vậy, nếu mẹ soi đèn và áp vào bụng, bé sẽ di chuyển để trốn ánh sáng đấy.
  • Bé đã có thể cử động hài hòa các khớp trên ở chân và tay. Chân bé cũng đã dài hơn phần tay rồi.
  • Vị giác đã hoàn thiện dù chưa có gì để bé nếm cả, đôi môi nhỏ xíu đã có thể dịch chuyển. Bé tiếp tục thở và nuốt nước ối liên tục.
  • Tuần này bé sẽ có rất nhiều chuyển động nhưng nếu chưa từng có kinh nghiệm mang thai, mẹ sẽ rất khó nhận ra. Bé sẽ tự phát hiện dây rốn của mình và nắm chúng để nghịch. Mẹ không phải lo, nếu nắm quá chặt làm hạn chế lượng máu lưu thông, bé sẽ tự buông ra ngay thôi.
  • Ở tuần này, cơ quan sinh dục đã phát triển đầy đủ tuy nhiên vẫn rất khó để nhận ra khi siêu âm.

Thai nhi tuần 14 có kích thước bằng trái chanh dây dài khoảng 10cm rồi đấy mẹ ơi!

Thai nhi tuần 14 có kích thước bằng trái chanh dây dài khoảng 10cm rồi đấy mẹ ơi!

Những thay đổi của mẹ

  • Tuần này, mẹ đã tăng khoảng 2kg, dần quen hơn với những biến đổi của cơ thể nhưng thỉnh thoảng vẫn bất ngờ vì những triệu chứng không mong đợi như mũi ửng đỏ, hay thậm chí là chảy máu mũi. Hiện tượng này rất phổ biến do nội tiết tố thay đổi cùng với sự gia tăng lưu lượng máu qua màng nhầy mũi hoặc giãn mạch máu mũi.
  • Mọi người sẽ dễ nhận ra mẹ đang mang thai vì bụng đã bắt đầu nhô rõ do chóp trên tử cung đã cao hơn xương chậu khoảng 16cm.
  • Nướu răng của mẹ sẽ nhạy cảm và dễ chảy máu khi đánh răng. Hãy cực kỳ cẩn trọng trong chăm sóc vệ sinh răng miệng vì các chứng viêm lợi, viêm nướu răng là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ sinh non.
  • Mẹ vẫn rất dễ bị táo bón hoặc khó tiêu.
  • Có thể mẹ thấy khó chịu vì dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn. Nếu chúng có màu trắng đục hoặc trong, không gây ngứa và không có mùi thì mẹ không có gì phải lo lắng.
  • Tuần này, mẹ có thể thấy bị đau nhói mạnh ở hai bên bụng do các dây chằng và các cơ phải làm việc cật lực để hỗ trợ tử cung to ra. Hạn chế di chuyển bất ngờ và tránh đứng quá lâu mẹ nhé.

Lời khuyên cho mẹ

  • Nếu chưa thực hiện xét nghiệm máu, mẹ hãy nói chuyện và kiểm tra lại với bác sĩ. Trong quy định khám thai giai đoạn đầu, mẹ cần được kiểm tra xác định về công thức máu, nhóm máy, tình trạng miễn dịch và sức khỏe của thai nhi. Có thể mẹ sẽ được đề nghị làm CVS (Chorionic Villus Sampling- lấy mẫu nhau thai để kiểm tra), hoặc chọc dò nước ối. CVS có thể thực hiện trước 12 tuần hoặc trễ hơn một chút. Còn chọc ối thì khoảng giữa thời điểm này đến tuần 18 là giai đoạn thích hợp nhất, giúp xác định hàng trăm rối loạn gen và nhiễm sắc thể. Hầu hết thai phụ đều nhận được tin tốt nên mẹ có thể yên tâm nha.
  • Để tránh nguy cơ viêm lợi, viêm nướu răng, mẹ nên dùng bàn chải loại mềm và thay đổi thường xuyên hơn. Đánh răng mỗi ngày hai lần, luôn sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày và đừng quên vệ sinh vùng mặt lưỡi vì đó là nơi dễ sinh ra vi khuẩn.
  • Nếu đang vào tháng có dịch cúm phổ biến, hãy nghĩ đến việc tiêm phòng. Mẹ đừng ngần ngại vì vắc xin phòng cúm không có hại cho bé và có thể bảo vệ mẹ an toàn.
  • Hãy sử dụng kem chống nắng được chỉnh định cho mẹ bầu để giảm tình trạng các đốm tàn nhanh và nốt ruồi ngày càng sẫm màu hơn. Hãy tìm mua loại có thành phần chống cả UVA (tia gây lão hóa) và UVB (tia đốt nóng) và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
  • Mẹ có thể đi bơi nhẹ nhàng vào những tuần này của thai kỳ. Việc vận động nhẹ nhàng dưới nước sẽ giúp mẹ thư giãn hơn.
  • Dành thời gian nói chuyện bé. Đây là cách để mẹ kết nối với bé và là phương pháp giúp bé phát triển tốt kỹ năng ngôn ngữ khi chào đời.
  • Không sử dụng các thực phẩm làm sẵn như: Xúc xích, răm bông, chà bông…
  • Tìm hiểu các loại gối hỗ trợ giấc ngủ, các bản nhạc hay… để đảm bảo giấc ngủ sâu và thoải mái.
  • Bắt đầu tìm hiểu chế độ nghỉ thai sản và lên kế hoạch chi tiêu cho gia đình trong thời gian đó.
  • Tìm hiểu dịch vụ chăm sóc trẻ phòng khi cần thiết và bàn bạc với bố về việc tổ chức lại phòng ốc trong nhà.
  • Ghi lại thời gian khó quên này bằng một album hình ảnh mang thai hoặc một cuốn phim ghi lại những hình ảnh sinh động nhất về quá trình bầu bì này.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ra ngoài gặp bạn bè hoặc lên kế hoạch du lịch.

Bố mẹ đã nghĩ ra cái tên nào cho bé cưng chưa? Một cái tên cúng cơm, thân mật, đáng yêu sẽ giúp mẹ cảm thấy gần bé hơn đấy. Quan trọng nhất hơn hết, mẹ nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, uống nước cam/ chanh để tăng sức để kháng, uống các sản phẩm sữa có bổ sung 3 thành phần quan trọng nhất của tam cá nguyệt thứ hai gồm DHA – là acid béo đóng vai trò quan trọng trong phát triển não bộ và tế bào võng mạc của bé, sắt – tạo hồng cầu, phòng ngừa bệnh thiếu máu của các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và canxi – tham gia quá trình hình thành và phát triển hệ xương của bé một cách cứng cáp như Dielac Mama nhen. Chúc mẹ cùng bé có một thai kỳ khỏe mạnh và đáng nhớ nhé!

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM