Thông Tin Dinh Dưỡng

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRƯỚC KHI MANG THAI: CHUẨN BỊ TÂM LÝ, TÀI CHÍNH & CUỘC SỐNG

Ngày đăng:

06/10/2016

Để đảm bảo tốt nhất cho sự ra đời của con yêu, ngoài việc lập kế hoạch mang thai vào một thời điểm xác định thì cả vợ lẫn chồng cần chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý – sức khỏe, đầy đủ về tài chính và ổn định cuộc sống hiện tại. Chia sẻ cùng bạn các bước lập kế hoạch để điều chỉnh tâm lý, tài chính và chuẩn bị không gian sống trước khi mang thai.

  1. Xây dựng tâm lý sẵn sàng và tinh thần lạc quan

Nghiên cứu của các nhà tâm lý học và phân tâm học đều chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành nhân cách của em bé sau này. Nếu người mẹ duy trì những cảm xúc tích cực, vui vẻ sẽ giúp thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh. Ngược lại, những xung đột trong tâm lý như lo lắng, cáu giận, buồn phiền… mà sản phụ hay gặp trong suốt thai kỳ là nguồn gốc của những rối loạn tâm lý sớm ở trẻ, thậm chí còn gây khó khăn cho trẻ khi đến tuổi dậy thì. Vì vậy, cả bạn và người bạn đời cần xác định rõ ràng:

+ Thời điểm mang thai lý tưởng, phù hợp với mong muốn của vợ chồng và gia đình nội ngoại: Khi xác định được cụ thể thời gian mang thai thì bạn đón nhận “tin trời cho” rất dễ dàng và hạnh phúc. Tuy nhiên, lúc này bạn cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe của vợ chồng mình bằng cách:

  • Kiểm tra và tiêm ngừa rubella, thủy đậu, cúm… và phòng bệnh phụ khoa
  • Bổ sung sắt, axit folic.
  • Nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng, chọn thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein, thêm rau quả.
  • Kiểm soát cân nặng vì cân nặng ở mức trung bình sẽ giúp dễ thụ thai hơn.
  • Dành khoảng 30 phút/ ngày tập thể dục.
  • Ngưng uống rượu, cà phê, thuốc lá và thay vào đó là nên uống sữa dành cho bà bầu trước 3 tháng khi mang thai.

Bên cạnh đó, người chồng cần chú ý:

  • Ăn uống đủ dưỡng chất và an toàn để cơ thể và tinh trùng được khỏe mạnh. Chế độ ăn bổ sung nhiều thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C, ngũ cốc, rau lá xanh đậm, thịt hải sản, trứng, bưởi, cam, chanh, nho…
  • Hạn chế thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
  • Tránh mệt mỏi, căng thẳng trong công việc.

+ Chia sẻ với người bạn đời về những thay đổi trong tâm lý khi mang thai: Đây là thời điểm bạn dễ nhạy cảm với những chuyện xảy ra xung quanh mình. Đồng thời, khả năng thích ứng với những thay đổi trong tình cảm, đời sống của phụ nữ mang thai thấp hơn nhiều so với người bình thường nên trước khi mang thai, bạn cần chia sẻ thẳng thắn với chồng để nhận được sự đồng cảm và yêu thương.

Tip: Mỗi ngày, hãy dành 10 phút để thảo luận cùng chồng về tâm lý khi mang thai. Điều này sẽ giúp cả hai cùng biết cách kiềm chế những xung đột mà chỉ chú tâm vào sự ổn định tâm lý của người mẹ và sức khỏe thai nhi.

+ Giữ nụ cười trên môi và “xa lánh” những cơn giận: Đây đúng hơn là câu bạn nên tự nhắc nhở mình mỗi ngày. Hãy đưa ra những lập luận đã được khoa học chứng minh để thuyết phục bản thân mình rằng: Nếu bạn giận giữ có thể gặp những vấn đề như sẩy thai, tăng nguy cơ sinh non, tăng huyết áp, trầm cảm sau khi sinh… Điển hình, chất coticotrophin hormon (CRH) trong máu tăng cao, cản trở sự chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ máu mẹ qua nhau thai làm thai nhi chậm phát triển, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con mình sau này.

Nếu bạn đã có kế hoạch mang thai, hãy chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, giảm căng thẳng, hạn chế những xung đột để chăm sóc thai nhi khỏe mạnh theo tháng ngày.

  1. Lập kế hoạch và kiểm soát rủi ro trong tài chính trước khi mang thai

Tài chính cần được lên kế hoạch trước khi mang thaiTài chính cần được lên kế hoạch trước khi mang thai

Thực tế cho thấy, có rất nhiều cặp vợ chồng (đặc biệt là các cặp vợ chồng son) vẫn chưa chịu lập kế hoạch tài chính cho gia đình và chưa lường trước được những phát sinh sau khi người vợ mang thai và giai đoạn chăm con. Ngay từ bây giờ, hãy lập ngay cho mình một kế hoạch rõ ràng để đảm bảo tài chính đã đầy đủ và luôn sẵn sàng để đồng hành cùng vợ trong ngày “vượt cạn” và chăm sóc đứa trẻ sau đó. Gợi ý cách lập kế hoạch tài chính đơn giản được nhiều gia đình áp dụng thành công:

+ Lập kế hoạch tài chính trong năm: Trước tiên, bạn hãy xác định nguồn thu nhập chính hằng tháng của gia đình và tính xem một năm tài chính gia đình bạn sẽ có là bao nhiêu. Sau đó, bạn sẽ nhẩm tính được khoản tiền nào dành để chi tiêu gia đình, khoản nào để dành nuôi con, khoản nào để chu cấp cho ba mẹ hai bên…

+ Chia theo từng khoản thu & chi: Tốt nhất, bạn hãy thực hiện bước này trong một bảng tính, quyển sổ hay phần mềm chi tiêu nào đó phù hợp với bạn. Tất nhiên, những khoản thu vào hay chi ra đều được ghi chép rõ ràng và bạn có thể tra cứu dễ dàng khi thắc mắc: “Tại sao tháng này lại thiếu tiền?” hay “Tháng này chưa có tiền bỏ vô khoản nuôi con ư?”…

+ Tìm kiếm cơ hội việc làm để tăng thu nhập: Nếu tình hình tài chính của gia đình bạn không đủ chắc chắn thì đây là lúc cả hai vợ chồng nên tìm cách tăng thu nhập thông qua những việc làm thêm ngoài giờ. Một số công việc gợi ý cho bạn như nhận thêm các dự án cùng ngành nghề, cộng tác viên, nhận dịch tài liệu, bán hàng qua mạng…

+ Kiểm soát rủi ro về tài chính: Trước khi mang thai, bạn nên tiết kiệm những khoản chi như mua đồ bầu hay mua quá nhiều quần áo sơ sinh cho con yêu mà thay vào đó, bạn nên tận dụng những đồ mặc ở nhà hay mặc lại quần áo trẻ em của bạn bè và người thân sinh con trước đó. Ngoài ra, thay thế những buổi tiệc ở nhà hàng, quán ăn bằng những bữa ăn ấm cúng, đầy đủ dinh dưỡng ở nhà. Bởi vì, trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh sẽ có nhiều khoản phát sinh như: sữa uống hằng tháng, tả, bỉm, thuốc men khi con bị ốm, người vợ chưa đi làm lại sẽ không có thêm thu nhập…

  1. Ổn định cuộc sống hiện tại

Bên cạnh chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để mang thai và lên kế hoạch về tài chính của gia đình, việc ổn định cuộc sống hiện tại với một không gian sống phù hợp cho sản phụ, sắp xếp công việc ở cơ quan, tìm hiểu về chế độ thai sản & bảo hiểm hay giữ vững mối quan hệ với bạn bè… cũng đáng được quan tâm và lên kế hoạch rõ ràng.

+ Sắp xếp thời gian làm việc và môi trường làm việc: Hãy cố gắng tập trung để giải quyết các công việc ở cơ quan một cách nhanh chóng để đảm bảo bạn vẫn còn thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đối với những người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại cần hạn chế tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ và các chất trong môi trường sống như chất tẩy rửa, dung môi, chì trong nước uống…

+ Kiểm tra với cơ quan về chế độ bảo hiểm: Thông thường, bạn sẽ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế và một thẻ bảo hiểm cá nhân. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ về chế độ bảo hiểm như ngày nghỉ, tiền phụ cấp, chi phí sinh nở bảo hiểm chi trả bao nhiêu phần trăm… Nếu bạn nắm chắc và tận dụng những chế độ này sẽ giảm được một số chi phí trong quá trình sinh nở.

+ Giữ liên hệ với người thân và bạn bè: Thời kỳ mang thai dễ khiến bạn “lãng quên” những mối quan hệ bạn bè xung quanh mà ít nhận ra rằng, những thay đổi trong tâm lý, tâm trạng lo lắng, cáu giận… của bạn đôi khi sẽ được “giải tỏa” và nhận được sự cảm thông của người thân và bạn bè khi bạn mở lòng sẻ chia. Vì vậy, hãy tiếp tục duy trì và trò chuyện với họ để tinh thần luôn thoải mái và yêu đời trong giai đoạn 9 tháng 10 ngày khó khăn này.

+ Tạo lập không gian sống hợp lý: Không gian sống thoải mái sẽ tác động rất nhiều đến tinh thần và tâm lý khi mang thai. Hãy xem xét lại nơi ở của mình và cải thiện nó thành nơi ở tốt hơn. Nếu không gian này chưa thích hợp cho một gia đình, bạn nên bàn bạc với chồng để di chuyển đến một nơi rộng rãi hơn, giúp bạn cảm thấy mình chuẩn bị kỹ càng hơn cho thai kỳ.

Với việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị tâm lý, tài chính và ổn định cuộc sống hiện tại trên đây, hy vọng sẽ là đòn bẩy giúp bạn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để đón nhận điều kỳ diệu của tạo hóa ban tặng. Chúc bạn và gia đình thành công với kế hoạch này.

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk