Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP MẸ PHÂN BIỆT SUY DINH DƯỠNG VỚI BỆNH CÒI XƯƠNG Ở TRẺ

Ngày đăng:

13/12/2016

Nhiều mẹ cứ thấy trẻ thấp bé nhẹ cân hơn bình thường là bảo bé bị còi xương suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây là hai bệnh khác nhau. Có trẻ bụ bẫm ăn ngủ tốt (không suy dinh dưỡng) nhưng vẫn bị bệnh còi xương (còi xương thể bụ bẫm). Mặt khác, nhiều trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng nhưng không bị bệnh còi xương. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ phân biệt bệnh còi xương và suy dinh dưỡng.

Sữa giúp giảm tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ

Phân biệt suy dinh dưỡng và bệnh còi xương

+ Về khái niệm

Suy dinh dưỡng: tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng. Các bé bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn bạn đồng trang lứab, có thể kèm theo bệnh còi xương hoặc không.

Còi xương: một bệnh do không cung cấp đủ nhu cầu về canxi và phốtpho cho nhu cầu phát triển dẫn đến có những tổn thương ở xương. Bệnh có thể gặp ở cả những bé rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phốtpho cao hơn các bé bình thường.

+ Dấu hiệu nhận biết

Suy dinh dưỡng: Các bé suy dinh dưỡng thường mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bị bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc rang. Các biểu hiện thiếu chất dinh dưỡng thường thấy là phù thũng toàn thân, rối loạn sắc tố da, thiếu máu da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng, còi xương, hạ canxi, còi cọc, khô giác mạc, quáng gà,…

Còi xương: Bé hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ. Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn. Xương có các biểu hiện như thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê. Các bé còi xương nặng còn mắc các di chứng như chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O. Ngoài ra, còn có các biểu hiện như răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón, chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…

+ Nguyên nhân

Suy dinh dưỡng có thể đến từ nhiều nguyên nhân như bố mẹ thiếu kiến thức nuôi dưỡng nên cho bé cai sữa sớm, ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn; thức ăn không đảm bảo chất lượng; bé bị nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính (viêm phế quản mãn, ỉa chảy, lao, sởi…); bé thiếu ăn điều kiện gia đình khó khăn; bé sinh non hoặc các bệnh lý khác…

Nguyên nhân dẫn đến còi xương là do cơ thể bé bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phốtpho.

+ Cách điều trị

Suy dinh dưỡng: Các bé suy dinh dưỡng mức độ nhẹ và vừa có thể điều trị tại nhà bằng cách điều chỉnh hoặc tăng cường khẩu phần ăn, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn (nếu có), tìm nguyên nhân và loại bỏ các nguyên nhân gây suy dinh dưỡng… Khi đó, bố mẹ cần theo dõi cân nặng hàng tuần, hàng tháng, tiêm chủng đầy đủ. Các bé bị suy dinh dưỡng nặng phải được điều trị tại bệnh viện.

Còi xương: Mẹ cần cho bé tắm nắng hàng ngày 15-30 phút trước 9 giờ sáng, tốt nhất là vào buổi sáng sớm, để lộ từng phần cơ thể và cho tiếp xúc dưới ánh nắng trực tiếp. Mùa Đông không có ánh nắng nên cho bé đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Quá trình tắm nắng sẽ giúp cơ thể bé tổng hợp vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phốtpho. Sog song đó, bé cần được điều trị dự phòng bằng cách uống vitamin D theo khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa nhi.

Hy vọng bài viết trên có thể giúp mẹ hiểu rõ hơn về hai bệnh lý thường gặp ở các bé nhỏ. Chìa khóa để các bé phát triển khỏe mạnh chính là một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng dưỡng chất cùng kế hoạch vận động, nhất là các hoạt động ngoài trời. Chúc bé của mẹ vui khỏe và phát triển vượt trội.

gp

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk